Làng nghề

Làng nghề
Làng nghề bánh tráng

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Nguồn gốc bánh tráng Tây Ninh



Vấn vương khuôn nguyệt tráng bên thềm
Đất Trảng thương hoài... xếp bánh đêm
Hấp bột, vải căng, phơi nắng ráo
Nướng lò, phên trải, đẫm sương mềm
Nồng hương gạo mới đi còn nhớ
Dẻo thịt cơm dầy gói tặng thêm
Tinh lực đất trời ươm lá cuốn
Ai xuôi miệt ấy... ghé về xem...
Trảng Bàng, miền đất có dân cư sinh sống lâu đời nhất tỉnh Tây Ninh. Ngày nay, dù làng xưa đã trở nên đô thị đông vui, sầm uất nhưng vẫn còn giữ được những món ăn dân dã xa xưa. Đó là bánh canh Trảng Bàng, bánh ú lá tre...

Đặc biệt nhất vẫn là bánh tráng phơi sương. Ở ấp Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng, có rất nhiều nhà làm bánh tráng chuyên nghiệp, còn được gọi là xóm bánh tráng.

Nguồn nguyên liệu làm bánh tráng phơi sương chỉ là bột gạo nhưng phải là bột gạo tẻ đặc biệt. Để làm ra bánh tráng phơi sương người ta phải qua nhiều công đoạn khá công phu và cầu kỳ. Đầu tiên là đem gạo đi vo sạch. Sau đó, phải xay gạo thành bột nước, hoà muối vừa độ, rồi tráng mỏng trên hơi nước sôi và phải tráng làm hai lớp. Bánh chín trải ra vỉ tre phơi, chỉ một ngày nắng tốt là được. Công đoạn tiếp theo là nướng bánh. Lò nướng giống như chiếc nồi Cà om to chứa vỏ đâu phọng riu riu cháy ở bên trong. Bánh tráng nướng nở xốp đều nhưng vẫn giữ nguyên màu giấy trắng… Nướng xong, người ta đem bánh tráng phơi sương vào khoảng tờ mờ sáng hoặc vào ban đêm, nếu nhiều sương chỉ cần phơi mười lăm phút. Phơi xong, đem bọc kín trong lá chuối tươi để giữ cho bánh được mềm, xốp.

Khách đến Tây Ninh từ xưa đến nay không mấy ai lại chẳng dừng chân ở thị trấn, ghé vào thưởng thức các món ăn đã nổi danh trên đất Trảng Bàng: một tô bánh canh giò heo, một phần bánh tráng phơi sương cuộn rau, dưa, thịt luộc.

Đĩa thịt heo ba chỉ ở đây luộc rất khéo, phải chọn lựa thứ thịt tươi ngon, luộc từ nước lạnh đun sôi dần, chín tới vớt ra ngay, lại thả vào thau nước sôi nguội để “trung hoà” rồi xắt lát mỏng bày lên đĩa. Xấp bánh tráng gấp làm đôi, mềm xốp như khăn giấy. Khi ăn mới mở ra gắp, gói, tuỳ theo ý thích mà không cần nhúng nước. Giá sống trắng, dưa leo xanh trong xắt miếng dài, đồ chua củ kiệu, mỗi thứ một dĩa, chén nước mắm chua ngọt vừa độ, óng ánh trắng đỏ sợi củ sắn, cà rốt. Thêm một chén nhỏ tiêu bột xay. Cuối cùng là mâm rau sống tươi tắn nõn nà, cứ như vừa được hái từ trên cây xuống. Chính nhờ từ mâm rau tươi tắn ấy đã làm nên món bánh tráng phơi sương gần như “ độc nhất vô nhị” của Trảng Bàng mà dường như chỉ có ở Trảng Bàng mới có đủ các loại rau đấy. Rau thơm ở trong vườn thì có húng lủi, cần nước, tía tô, diếp cá, hẹ, ngò, rau vị… Các loại rau, lá non mọc hoang dại ở trên rừng hoặc bên những bờ sông, rạch, suối hoang vu: lá cóc, trâm ổi, lá nhái, lá lụa, đọt vừng, đọt kim cang, đọt lá xộp, quế… tính ra phải đến hơn ba chục thứ rau thơm và lá non các loại.

Khi ăn, người ta bóc ra một tấm bánh tráng, đặt lên chiếc đĩa rồi mới lần lượt xếp vào từng loại rau, dưa, giá mình ưa thích. Thêm vào một hai miếng thịt rồi cuộn tròn lại, vừa với miệng ăn. Nước mắm chuyển ra chén nhỏ rồi cầm lên để chấm.

Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng có tự khi nào không ai còn nhớ nhưng có lẽ phải có sau món bánh canh. Vì thế, dù bánh tráng phơi sương đã trở thành món chủ lực nhưng người ta vẫn giữ nguyên tên gọi là những tiệm bánh canh. Danh tiếng ấy cũng đã đưa bánh canh, bánh tráng Trảng Bàng đến tận các miền xa xôi và xuất khẩu đi một số quốc gia trên thế giới. Người dân xứ Trảng lấy đó làm tự hào về “bánh tráng phơi sương” của quê mình, đặc sản làm ra từ tài trí sáng tạo và bàn tay lao động cần cù của đất và người Tây Ninh.
 
  
Những khúc biến tấu của bánh tráng Trảng Bàng




Bánh tráng Trảng Bàng cuốn thịt luộc

Dù chưa có thương hiệu chính thức, nhưng món bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc Trảng Bàng bấy lâu nay đã thành một món đặc sản của đất Tây Ninh mà mọi người đều yêu thích. Và không chỉ thế, hàng chục loại bánh tráng khác có nguồn gốc từ đây cũng lần lượt ra đời để phục vụ cho nhu cầu quà vặt của nhiều người.

Nguyên liệu chủ lực của bánh tráng nói chung chỉ là gạo tẻ, ngâm cho mềm rồi xay thành bột mịn. Sau đó lọc bớt nước chua và pha bột với nước sao cho vừa, không loãng quá không đặc quá. Chỉ vậy thôi. Nhưng qua tay những người thợ làm bánh, những lò chế biến bánh thì mỗi loại bánh tráng tại xứ sở này có một sức hấp dẫn riêng.


Từ ngẫu hứng bánh tráng phơi sương…

Giải thích về nguồn gốc bánh tráng phơi sương, dân ở đây kể rằng có hai vợ chồng nhà nọ ở Trảng Bàng cũng làm nghề tráng bánh. Một hôm, khi vội vã lấy mấy vỉ bánh vô nhà, anh chồng vô ý bỏ sót một vỉ bánh ở góc khuất.



Bánh tráng tôm


Hôm sau, khi phát hiện ra, anh bực mình lắm, vì mấy cái bánh để cả đêm ngoài trời đã mềm xèo, chỉ có nước gỡ bỏ cho… heo ăn, chứ để vậy đâu được. Nhà nghèo, tiếc của, anh vừa gỡ bánh vừa… tranh thủ… măm vài miếng.
Nhưng cái bánh ăn ráng vì tiếc của kia, kỳ lạ, lại mang một vị ngon khác hẳn. Chiếc bánh mềm mà không ướt, dẻo vừa phải để cuốn rau thịt mà không sợ bị rách…
Chiều hôm đó, người chồng mời mấy người bạn sang nhà uống rượu. Nhìn dĩa bánh ỉu xìu trên dĩa, những người khách ngạc nhiên, hỏi. Chủ nhà trả lời bằng cách gỡ một miếng bánh tráng, để rau thịt lên trên và cuốn, rồi mời mọi người thưởng thức. Ai cũng gật đầu khen món lạ mà ngon.
Và rồi, theo thời gian, theo sự tiến triển của xã hội, chiếc bánh tráng phơi khô, nướng phồng hai mặt trong hơi lửa nồng nàn của mớ vỏ đậu mà vẫn trắng ngần, được phơi sương trở thành mềm mại dịu dàng, sẵn sàng đón nhận những ngọt bùi chua chát của các món ăn trên bàn để cuốn thành một cuốn bánh hấp dẫn đã góp mặt ở khá nhiều quán ăn, nhà hàng tại Sài Gòn như một món đặc sản.




Bánh tráng me


Tuy nhiên, nói gì thì nói, ăn bánh tráng Trảng Bàng, vẫn cứ ngon nhất khi được thưởng thức ngay tại nơi khai sinh ra nó. Không hiểu do nguồn nước, hồn lá, hương rau hay vì điều gì mà cũng là món thịt luộc, dĩa rau với mấy chục loài lá, với chén nước mắm đặc trưng đó, nhưng chỉ khi yên vị ở một quán bánh tráng ở tại thị trấn nhỏ này, khách mới có thể cảm nhận được hết cái “hồn” của món cuốn đơn giản đó.

…Đến bánh tráng muối ớt và những biến tấu khác
Có một điều đặc biệt, ngoài bánh tráng phơi sương, phần lớn các loại bánh tráng khác ở Tây Ninh đều thuộc là… quà vặt, khá đơn giản, và hạp khẩu vị của đa số quần chúng. Những khúc biến tấu này cũng khá phong phú: có loại chỉ ăn ngon khi đông người để vừa ăn vừa… tám, nhưng cũng có loại có thể “gặm” bất cứ nơi đâu, khi ngồi một mình, buồn miệng!

Đầu tiên là những chiếc bánh tráng muối ớt. Công thức cũng như các loại bánh tráng bột gạo thông thường, nhưng có cho thêm muối ớt, bột ngọt… thẳng vào bột. Chiếc bánh tráng mỏng, trong suốt, lấm tấm những mảng màu đỏ của ớt, hấp dẫn đến nỗi có thể ăn khan một mình cho tới chừng nào … giật mình vì no, hoặc vị cay xé lưỡi làm không thể ăn được nữa.



Một hình thức khác của bánh tráng tôm.

Cũng có loại bánh tráng muối ớt được… phơi sương, xếp lại mỗi bịch một, hai cái. Bánh này mềm hơn và ăn cũng… ghiền hơn! Cũng có khi, chỉ là cái bánh tráng bình thường đem phơi sương, rồi chấm với chút muối ớt gói kèm theo… nhìn coi bình thường, không có gì bắt mắt, nhưng mà ăn hoài không chán.
Nhưng, phong phú nhất là những loại bánh tráng trộn, hoặc bánh tráng tôm, bánh tráng me… hiện đang “làm mưa làm gió” trên thị trường quà rong vì sự đơn giản mà quyến rũ của nó.
Bánh tráng trộn ở Trảng Bàng được tận dụng từ những mẩu bánh vụn cắt ra từ những lò bánh tráng máy, được trộn với chút dầu, hành phi, muối ớt và chút bột tôm, khi ăn phải chịu khó trộn cho đều để miếng bánh ngấm gia vị và cũng mềm ra.




Bánh tráng muối ớt.

Kế đến là bánh tráng tôm. Có một số lò trộn ruốc (tôm nhỏ) vào bột rồi tráng, để có chiếc bánh lấm tấm đỏ rực rỡ, thơm lừng bắt mắt. Cũng có lò làm bánh tráng tôm bằng cách phơi sương bánh tráng cho dẻo, khi ăn gói một chút bột tôm, một chút muối vào…
Kế nữa là món bánh tráng me, hiện là “cơn sốt” của các “thượng đế” tuổi teen. Nhiều bạn trẻ sành ăn thậm chí còn tuyên bố rằng chưa ăn bánh tráng me chua chua, cay cay với những thứ phụ gia đi kèm thì còn chưa được coi là teen… sành điệu!
 
(Sưu tầm)

1 nhận xét: